Nhà ở xã hội là gì? Những điều phải biết khi chọn mua Nhà Ở Xã Hội (NOXH)
Giải quyết vấn đề nhà ở cho dân số ngày càng tăng tại Việt Nam luôn là vấn đề bức thiết của xã hội. Tuy nhà nước không ngừng tạo điều kiện cho những đối tượng ưu tiên được sở hữu nhà riêng bằng cách cung cấp các dự án nhà ở xã hội giá rẻ, thế nhưng, vẫn rất nhiều người đánh mất cơ hội quý giá này chỉ vì thiếu kiến thức về nhà ở xã hội (viết tắt NOXH).
Và bài viết dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết để sở hữu căn nhà riêng của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất!
NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ GÌ ?
Nhà ở xã hội là gì ? Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở xã ở.
Có thể hiểu đây là các loại hình nhà (Nhà gắn liền với đất, căn hộ chưng cư) ở do Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân phi lợi nhuận đầu tư, phát triển với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho những đối tượng được ưu tiên trong xã hội như công chức nhà nước chưa có chỗ ở ổn định, người có thu nhập thấp…. Nhà ở xã hội có giá rẻ hơn rất nhiều so với nhà ở trên thị trường, và có sổ hồng sở hữu sau 5 năm.
Hiện tại, nhà ở xã hội chủ yếu phân bố ở các thành phố lớn nhất nước như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng…và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An…
CÓ NÊN MUA NHÀ Ở XÃ HỘI KHÔNG?
Ở đây, bài viết sẽ không khẳng định là nên hay không mà chỉ đưa ra phân tích để bạn đọc nhìn nhận rõ nhu cầu của mình có phù hợp với nhà ở xã hội hay không
Bạn muốn có một căn nhà riêng nhỏ xinh để an tâm an cư lập nghiệp, tiết kiệm tiền thuê nhà, đúng nghĩa chỉ để “ở” mà không để ý quá nhiều đến việc phải đi xa, hay tiện ích giải trí thiếu thốn…Vậy thì bạn nên mua nhà ở xã hội ngay thôi.
Còn nếu bạn cần nhà riêng nhưng căn nhà riêng đó phải thật sự chất lượng, không chỉ để có chỗ “chui ra chui vào” mà còn để tận hưởng, tiện nghi đầy đủ, hàng xóm văn minh…thì có lẽ bạn nên để dành tiền thêm một thời gian nữa để mua một căn hộ thương mại chất lượng.
CÁC LOẠI NHÀ Ở XÃ HỘI HIỆN NAY
+ Loại hình nhà ở này có thể là căn hộ chung cư (diện tích sàn 25 đến 70m2)
+ Nhà ở liền kề thấp tầng (diện tích không quá 70m2)
ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA NHÀ Ở XÃ HỘI
Ưu điểm của nhà ở xã hội
+ So với các loại hình khách như nhà chung cư hay nhà mặt đất, nhà ở xã hội giá rẻ hơn, thanh toán nhẹ, được vay lãi suất thấp.
+ Bên cạnh đó, hiện nay các công trình, dự án nhà ở xã hội có chất lượng công trình ổn, phí quản lý chung cư rẻ, hệ thống tiện ích tốt, không thua kém nhà ở thương mại là mấy.
+ Điều này cực kỳ phù hợp và thuận lợi với những người có điều kiện tài chính, kinh tế thấp nhưng vẫn có cơ hội được sinh hoạt, sở hữu các căn nhà với chất lượng, dịch vụ ổn.
Nhược điểm của nhà ở xã hội
+ Bên cạnh những ưu điểm thì nhà ở xã hội vẫn còn một số nhược điểm như: Không thể thế chấp ngân hàng ngoại trừ trường hợp bạn vay mua chính căn hộ đó.
+ Thủ tục mua nhà ở xã hôị rắc rối, hồ sơ phức tạp. Đặc biệt, bạn không có quyền chuyển nhượng bán lại chênh lệch như căn hộ thương mại trong 5 năm đầu tiên.
+ Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội thường hơi xa trung tâm, tiện ích và nội thất cũng không tốt như nhà chung cư thương mại hay nhà đất. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chỉ ở mức tạm ổn, khoảng 6/10….
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Những đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội (Điều kiện cần)
Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, có 9 đối tượng được mua nhà ở xã hội, nếu đáp ứng được các điều kiện đủ, cụ thể:
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định.
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Ngoài ra, để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, 9 nhóm đối tượng trên phải tiếp tục thỏa mãn các điều kiện đủ dưới đây.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014 quy định 09 đối tượng trên sẽ được mua nhà ở xã hội, thuê, thuê mua nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện: Nhà ở, cư trú, thu nhập, cụ thể:
Điều kiện 1: Về nhà ở
Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.
Điều kiện 2: Về cư trú
– Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội;
– Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
Điều kiện 3: Về thu nhập
Các đối tượng 4, 5, 6 và 7 thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (vì người nộp thuế thu nhập cá nhân là những người có thu nhập cao).
KINH NGHIỆM MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Thủ tục khi mua nhà ở xã hội?
Căn cứ theo quy định tại điều 22 nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục – hồ sơ mua nhà ở xã hội cho chủ đầu tư để họ xét duyệt.
Sau đó, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người được mua, thuê, hay thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.
Như vậy, để mua nhà ở xã hội bạn cần chuẩn bị những giấy tờ hợp pháp sau:
Đối với hồ sơ chung
– Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội ( theo mẫu).
– Chứng minh thư nhân dân ( 3 bản chứng thực).
– Đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ( 3 bản chứng thực).
– Ảnh các thành viên trong gia đình( ảnh 3×4, mỗi thành viên 3 ảnh).
Ngoài ra nếu bạn có các loại giấy tờ ưu tiên khác thì có thể nộp kèm trong hồ sơ.
Đối với hồ sơ minh chứng về đối tượng và thực trạng nhà ở
Bạn cần phải có giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở. Việc xin xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở cần được thực hiện như sau:
– Đối tượng thuộc người có công với cách mạng phải có giấy tờ minh chứng về đối tượng theo quy định của pháp luật, xác nhận về thực trạng nhà ở hiện nay và chưa nhận được sự hỗ trợ nhà ở của nhà nước do UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp.
– Các đối tượng thuộc diện 4,5,6,7 của điều 49 luật nhà ở cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc về đối tượng cũng như thực trạng nhà ở hiện tại.
– Đối tượng thuộc diện 8 điều 49 luật nhà ở phải có giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý công vụ cấp.
– Đối tượng thuộc diện 9 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
– Đối tượng thuộc diện 10 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
Đối với hồ sơ minh chứng về điều kiện cư trú
– Những đối tượng đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó.
– Những đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần phải có bản sao chứng thực về giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng lao động có thời hạn một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Riêng trường hợp các đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà đóng bảo hiểm tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì bắt buộc cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.
Đối với hồ sơ chứng minh về thu nhập
Trước hết các với các đối tượng thuộc khoản 4 của điều 49 luật nhà ở cần kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Các đối tượng quy định tại khoản 5,6,7 của điều 49 của Luật nhà ở cần phải xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập.
Nhà ở xã hội sở hữu được bao nhiêu năm?
Theo các quy định hiện hành, không có quy định cụ thể nào về thời hạn sở hữu nhà ở xã hội, nhưng hiện trên thị trường hiện nay, đa số nhà ở xã hội sở hữu lâu dài.
Tuy nhiên, có một lưu ý với tất cả các căn hộ sở hữu lâu dài: Đó là “lâu dài” không có nghĩa là “vĩnh viễn”. Nếu mua được căn hộ có hình thức sở hữu là sổ hồng lâu dài thì khi căn hộ đưa vào sử dụng 50-60 năm, có dấu hiệu xuống cấp, không thể sử dụng được thì đất tại dự án vẫn thuộc quyền sở hữu chung của dự án, có thể bán, hoặc ủy quyền một chủ đầu tư khác xây lại, hoặc di dời và nhận suất tái định cư theo chính sách của địa phương.
Ngân hàng có hỗ trợ vay vốn khi mua nhà ở xã hội không?
Có. Và mức cho vay tối đa khi mua, thuê mua nhà ở xã hội bằng 80% giá trị Hợp đồng mua – Bán hoặc hợp đồng cho thuê mua nhà ở xã hội. Lãi suất vay sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ theo đề nghị của ngân hàng cho vay. Gần đây nhất, lãi suất vay mua nhà ở xã hội năm 2019 tại ngân hàng CSXH là 4,8%/năm.
Thời hạn cho vay trả góp tối đa 15 năm và tối đa 25 năm. Thời hạn trả cả gốc và lãi tiền vay được đề xuất như sau: Cá nhân, hộ gia đình vay vốn thực hiện trả gốc và lãi theo định kỳ hàng tháng, số tiền trả nợ gốc mỗi tháng bằng số tiền vay chia đều cho số tháng phải trả nợ gốc.
+ Đối với cá nhân, hộ gia đình vay vốn mua nhà ở xã hội: Thực hiện trả gốc và lãi tiền vay kể từ tháng đầu tiên nhận tiền vay.
+ Đối với cá nhân, hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình: Thực hiện trả nợ gốc và lãi kể từ tháng thứ 6 trở đi.
Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.
Nhà ở xã hội có được thế chấp không?
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó)
Nhà ở xã hội có được cho thuê lại, mua, bán không?
Không được chuyển nhượng nhà ở xã hội ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
Người mua chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Lý do tại sao nhà ở xã hội lại có giá thấp?
Việc xây dựng nhà ở xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu mọi công dân đều có nhà ở của Nhà nước, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp sở hữu nhà riêng, góp phần nâng cấp cuộc sống của người dân và thay đổi bộ mặt nước nhà. Loại nhà ở này chủ yếu được xây dựng vì mục đích cộng đồng chứ không đem mục đích lợi nhuận làm chính yếu, dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận.
Để có nhà cho dân, Thành Phố phải đưa ra các chính sách để lôi kéo các Chủ Đầu Tư như miễn thuế chuyển đổi quyền sử dụng đất, đổi đất lấy nhà, giảm thuế VAT, giảm các loại thuế doanh nghiệp nhằm có nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu người dân. Với hàng loạt ưu đãi này, đương nhiên, giá nhà ở xã hội sẽ rẻ hơn bình thường khá nhiều.
Thu nhập bao nhiêu mới được mua nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp, và có giá trên thị trường hiện nay khoảng từ 850 triệu cho căn từ 40m2 (ở các thành phố lớn), và 300 đến 500 triệu ở các tỉnh thành không thuộc trung tâm.
Đối với các tỉnh thành trung tâm, để mua nhà ở xã hội, khách hàng cần có thu nhập từ 7 triệu/tháng với số tiền tích lũy ban đầu khoảng 150 đến 200 triệu để đảm bảo trả góp thong thả mỗi tháng mà vẫn đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Đối với các tỉnh thành ngoài trung tâm, khách hàng có thu nhập từ 5 triệu/tháng, với số tiền tích lũy ban đầu khoảng 100 triệu đã có thể sở hữu nhà ở xã hội.
CHẤT LƯỢNG NHÀ Ở XÃ HỘI HIỆN NÀY
Trước đây, người ra thường hình dung những dự án nhà ở xã hội là những chung cư chất lượng thấp, xây dựng tạm bợ, lụp xụp nhưng hiện nay quan niệm đó đã được thay đổi vì những dự án nhà ở xã hội ngày càng chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của một bộ phận dân cư.
Đương nhiên so với các dự án nhà ở thương mại trung và cao cấp có giá 30-50 triệu/m2, chúng ta không thể so sánh. Nhưng chất lượng dự án nhà ở xã hội hiện khá đầy đủ tiện ích cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cư dân, chất lượng công trình cũng có thể sử dụng lâu dài chứ không tạm bợ.
Chốt lại, nhà ở xã hội “Ở ĐƯỢC” đối với những người không yêu cầu quá cao về chất lượng sống.
Trên đây là những vấn đề thường thắc mắc của những người quan tâm đến nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước khi kết thúc bài viết, vẫn phải nhắc nhở những người có ý định mua nhà ở xã hội rằng:
Ghi nhận thực tế hiện nay, đa số các dự án nhà ở xã hội đều đã bán hết và hiện tại chỉ có thể mua sang tay. Trên nhiều trang mạng rao bán tràn lan thông tin giao dịch, sang nhượng tại các dự án nhà ở xã hội. Phần lớn những dự án này đều chưa vượt quá quy định 5 năm để được giao dịch, sang nhượng, chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu, nên khách hàng mua sang tay nhà ở xã hội cần cẩn thận rủi ro. Giá bán lại của nhà ở xã hội cũng chênh lệch hàng trăm triệu đồng so với giá gốc.
Do đó, mua nhà ở xã hội nên cố gắng cập nhật thường xuyên tin tức và mua từ giai đoạn đầu của dự án để được sở hữu với mức giá thấp nhất, và được đứng tên chính chủ, tránh lằng nhằng pháp lý về sau.
Ngôi nhà là tài sản quan trọng với bất cứ ai. Vì vậy, đừng tìm hiểu nhà ở xã hội một cách sơ sài. Hãy chuẩn bị hành trang kiến thức vững chắc để sở hữu ngôi nhà đầu tiên một cách suôn sẻ, như ý nhất, bạn nhé! Chúc bạn sớm tìm được “ngôi nhà trong mơ” của mình!
BÀI VIẾT THAM KHẢO